Định hướng phát triển game Việt

Game Việt tháo bỏ định kiện, khẳng định tiềm năng phát triển

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng sự thay đổi trong tư duy, thói quen của cộng đồng đã tạo đà cho ngành game Việt Nam bứt phá, không chỉ đóng góp lớn vào nền kinh tế mà còn mang lại nhiều giá trị tích cực cho người dùng.

Việt Nam có nhiều cơ sở phát triển ngành game Việt

Tại sự kiện Ngày hội Game Việt Nam (Gameverse) 2024 tổ chức tại TP.HCM, nhiều số liệu ấn tượng đã được công bố: Việt Nam là thị trường trò chơi và ứng dụng hàng đầu của Google, đứng thứ 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về doanh thu từ giao dịch mua bán ứng dụng, đứng thứ 4 về lượt tải ứng dụng. Đặc biệt, Việt Nam hiện có hơn 35.000 nhà lập trình game, ngang tầm với các quốc gia mạnh về game như Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định, với quy mô dân số trẻ và hạ tầng viễn thông phát triển, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để ngành game mở rộng trong tương lai.

Tổng quan thị trường game Việt
Tổng quan thị trường game Việt

Game giáo dục trở thành xu hướng mới kết hợp giải trí và học tập

Nhiều nghiên cứu từ các trường đại học danh tiếng như Michigan, Rochester, Wisconsin-Madison hay California cho thấy, game có thể giúp người chơi phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng xã hội và khả năng đa nhiệm.

Nếu lựa chọn đúng trò chơi, game có thể mang lại những giá trị tích cực, điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ em tiếp cận công nghệ từ sớm. Do đó, game giáo dục – giải trí (giáo trí) đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, một số game giáo trí đã thành công và nhận được phản hồi tích cực, tiêu biểu như:

  • Monkey Junior – hỗ trợ trẻ học tiếng Anh qua trò chơi tương tác.
  • Viet Kids – mang đến bài học văn hóa, lịch sử Việt Nam thông qua các hoạt động thú vị.
  • Series Wolfoo Game – tập trung phát triển 12 phẩm chất cần thiết cho trẻ theo phương pháp Montessori.
  • Wolfoo Game được phát triển bởi Sconnect Việt Nam – một trong số ít doanh nghiệp Việt có khả năng lập trình game cho trẻ em theo tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất 3-4 game mỗi tháng. Đến nay, Sconnect đã ra mắt gần 200 game dành riêng cho trẻ dưới 10 tuổi, trong đó hơn 44 game đạt chứng nhận “Teacher Approved” của Google Play, đảm bảo cả yếu tố giáo dục và giải trí lành mạnh.

Giáo sư Eric Klopfer (Viện Công nghệ Massachusetts – MIT) nhấn mạnh: “Việc kết hợp yếu tố giáo dục vào game có thể tạo ra môi trường học tập hấp dẫn, giúp người chơi tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn”. Ông cũng khuyến khích ứng dụng game giáo dục vào giảng dạy để tối ưu hóa phương pháp học tập truyền thống.

Định hướng phát triển game Việt
Định hướng phát triển game Việt

Xóa bỏ định kiến công nhận ngành công nghiệp game Việt là ngành phát triển đầy tiềm năng

Trong những năm 2000, game từng bị gán mác “vô bổ”, “lãng phí thời gian” hay thậm chí là “cổ súy bạo lực”. Tuy nhiên, phần lớn những định kiến này xuất phát từ việc nhìn nhận phiến diện, chỉ tập trung vào mặt tiêu cực mà chưa thấy được những giá trị tích cực mà game mang lại.

Thực tế, ngành game không chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí mà còn phát triển thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, thậm chí được công nhận là môn thể thao điện tử chuyên nghiệp (eSports).

Năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam lần đầu công nhận eSports là một bộ môn thể thao điện tử. Từ đó, các giải đấu lớn như Vietnam eSports Championship (VEC) hay Vietnam Championship Series A (VCSA) ra đời, đưa eSports Việt Nam lên một tầm cao mới. Đến năm 2018, Việt Nam chính thức tham gia Asian Games 2018 với tư cách một môn thể thao thi đấu.

Xóa bỏ định kiến công nhận ngành công nghiệp game Việt
Xóa bỏ định kiến công nhận ngành công nghiệp game Việt

Ngành Game Việt – “Mỏ vàng” của nền kinh tế

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, năm 2023, ngành game Việt Nam đạt doanh thu 507 triệu USD, trong đó game mobile chiếm khoảng 70% tổng doanh thu.

Việt Nam cũng xếp thứ 7 toàn cầu về số lượt tải ứng dụng game trên nền tảng di động (theo báo cáo của App Annie). Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của smartphone và kết nối Internet, game mobile đang trở thành lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều nhà phát triển trong và ngoài nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành game Việt đạt doanh thu 1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm game hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành game không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra hàng ngàn việc làm trong nhiều lĩnh vực như lập trình, thiết kế, nghệ thuật, marketing, quản lý sản phẩm. Các giải đấu eSports và sự bùng nổ của ngành công nghiệp game mở ra cơ hội cho streamer, caster, game thủ chuyên nghiệp và nhiều vị trí khác trong hệ sinh thái game.

Game không còn chỉ là một phương tiện giải trí mà đang dần trở thành một phần quan trọng trong giáo dục, văn hóa và nền kinh tế số. Với những tiềm năng sẵn có, ngành game Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế và mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

Theo dõi chúng tôi để được cập nhật thêm nhiều thông tin hấp dẫn nhé!